Tyển tập một số bài thơ
Thời gian cứ dần trôi Như một lẽ thường tình trong cõi đời bề bộn. Giáo viên thường chuyển đổi Học sinh thay khoá mới . Thế mà đã 40 năm …
TÔI VỀ MỸ THO
Nguyễn Kế Tấn- Nguyên Chủ tịch CĐ,
Bí thư Đoàn trườn Tổ trưởng tổ Toán
Thời gian cứ dần trôi
Như một lẽ thường tình trong cõi đời bề bộn.
Giáo viên thường chuyển đổi
Học sinh thay khoá mới .
Thế mà đã 40 năm …
Mỹ Tho hôm nay kỷ niệm thành lập trường
Với 4 dãy học đường, tầng cao, gió lộng….
Chợt giật mình ôn lại cố tri
Nhớ về thầy cô, nhớ về bạn cũ
Học sinh thành danh mong ngày trường hội tụ.
Để gặp lại được nhau cho thoả nỗi buồn vui. (……)
Nhớ những địa danh : Vạn Đoàn, Trung Cầu, Mai Độ
Nhớ Đại Lộc, Đô Phan, An Hoà, An Thị…
Thời kỳ chống Mỹ
Lớp học tựa lều, vách đất nhà xiêu
Bàn chẳng ra bàn, ghế không thành ghế
Mưa bì bõm lội, nắng bụi mà trôi
Thầy cô giảng văn, áo thấm đẫm mồ hôi
Đến giờ địa, bản đồ in trên vai áo,
Nối các đường biên bằng vệt trắng mờ của muối mặn mồ hôi
Cũng không thể nào quên thầy Đài, Thầy Hải, Thầy Hồng… Cô Hợi
Giờ học Toán tưởng khô khan mà cứ vui như ngày hội
Nhưng, những ngày xưa tự nó đã qua rồi…
Nay kỷ niệm 40 năm
Tôi trở về đứng giữa sân trường
Bồng bềnh như đứng trên con thuyền ở giữa dòng sông
Con sóng lao sao, mái chèo khua, con thuyền đưa đẩy
Ở văn phòng có thầy cô tóc đã ngả mầu sương
Và các thầy cô trẻ trung đang ngồi trong đấy,
Ở ngoài kia học sinh đang ríu rít đến cổng trường
Áo trắng, áo hồng, ánh mắt tin yêu nụ cười trong sáng thân thương.
Thầm mừng cho các em được học dưới mái trường Mỹ Tho yêu dấu.
Tháng 8-2008
CHÙM THƠ VỀ MỸ THO
Nguyễn Duy Diễn - nguyên BT Chi bộ
Bài 1: TỎ LÒNG
Từ ngày nhận sổ về hưu
Đến nay vẫn nhớ, vẫn yêu mái trường
Nhớ sao những sáng tinh sương.
Trống hồi giục giã bốn phương tựu trường
Nhớ đàn em nhỏ yêu thương
Nhớ phòng học cũ, con đường vẫn đi
Nhớ tình đồng nghiệp những khi
Giảng bài, lên lớp, coi thi các trường
Giờ đây về với đời thường
Dẫu rời bục giảng, vẫn vương tơ lòng
20-11-1986
Bài 2: VẪN NHỚ
Nguyễn Duy Diễn-
Thao thức đêm dài, khó ngủ thay!
Trường xưa, trò cũ, mộng giăng đầy
Áo vương bụi phấn khi lên lớp
Tay mải mê say soạn cả ngày *
Xào xạc sân trường cơn gió thoảng
Khi vào trong nhóm lá bay bay
Về với đời thường, lòng vẫn nhớ
Đàn em ríu rít tung cánh bay
20-11-1990
* Soạn: Soạn giáo án
NẮNG CHIỀU
Nguyễn Duy Diễn
Mỹ Tho kết nghĩa tên trường
Dậy văn giảng nghĩa noi gương trồng người
Gian nan góc bể, chân trời
Thêu tình đồng nghiệp, dệt thời gian trôi
Nắng chiều ngưng đọng chân đồi
Tóc nay bạc phấn cuối đời ngát hương
20-11-2005
NHÀ TRƯỜNG THỜI GIAN CÒN BÓNG GIẶC
Đào Hưởng - Nguyên Hiệu phó trường
1-Những năm tháng gian khổ long đong
Tháng 8- 1968 UBND tỉnh Nam Hà chính thức ra QĐ thành lập trường cấp 3 thứ II huyện Ý Yên với tên gọi là trường cấp 3 Mỹ Tho. Tên một tỉnh miền Nam kết nghĩa với Nam Định. Tỉnh Mỹ Tho nay là tỉnh Tiền Giang có thành phố Mỹ Lệ và là tỉnh nổi tiếng anh hùng trong chống Mỹ… Riêng xã Mỹ Thiện huyện Cái Bè đã có hơn 700 người đi bộ đội, và thoát ly tổ chức đánh giặc tại xã , xã có 400 liệt sỹ, 134 thương binh và 14 bà mẹ Việt Nam anh hùng, được phong lực lượng vũ trang anh hùng.
a- Biết được chủ trương này, Đảng bộ, cùng nhân dân 13 xã, HĐ giáo viên, các em học sinh vô cùng phấn khởi. Từ nay quê hương mình có được mái trương mang tên Tỉnh Miền Nam kết nghĩa, có bề dầy lịch sử , con em lại được đi học gần ... Năm học đầu tiên 1968 -1969 trường học tại Yên nghĩa, có 2 lớp 10, (Nay là lớp 12) 2 lớp 9 và 3 lớp 8 từ cấp III Ý Yên (Nay là TVT) chuyển về sau khi trường bị bom Mỹ dội xuống giết chết 31 học sinh lớp 9B và 1 thầy giáo. Các lớp học đáo sâu trong lòng đất, phải phân tán lớp vào các luỹ tre xanh : Ngọc Chuế, Thanh Khê, Trung Cầu, Đô Phan. Trường lúc này có 17 giáo viên, chi Bộ có 6 đồng chí. Sau khi chi bộ họp quyết đinh dồn hết sức để khai giảng năm học mới đúng thời gian, Giám hiệu phân công hành động người nào vào việc ấy. Phụ huynh học sinh cùng giáo viên chủ nhiệm lớp chịu trách nhiệm thi công xây dựng lớp của mình. Chỉ trong thời gian ngắn lớp nào cũng đắp xong tường luỹ xây dựng xong lớp học, đào đủ hầm hào trú ẩn khi có báo động.
Kết quả năm học 1968 -1969 đã khai giảng đúng thời gian. Mọi người đều sung sướng vui mừng đến chảy nước mắt. Năm học đầu tiên diễn ra trong chiến tranh phá hoại ác liệt của giặc Mỹ với những khó khăn, thiếu thốn, tưởng như không thể vượt nổi… nhưng tất cả đều hoàn thành tôt đẹp.: Buổi tổng kết năm học mẻ thép đầu tiên đã ra lò, lên đường phục vụ Tổ quốc. Trong số đó nhiều người đã trở thành Giáo sư, Bác sĩ, sĩ quan cấp cao trong Quân đội, cán bộ lãnh đạo của Đảng và nhà nước.
b - Gian khổ bước đầu đã vượt qua, chi Bộ bàn bạc quyết định tìm địa điểm xây dựng trương lâu dài. Nhà trường cử người về Yên Bình xin đất được Đảng Bộ, CQ, ND đồng ý. Thế là ngay năm học thứ 2 trường lại phải chuyển về 1 địa điểm mới. Mỗi học sinh đóng góp 1 cây tre, 1 bó rạ và 5 ngày công của cha mẹ đẻ làm trường lớp. Chưa đầy nửa tháng từ khoảng đất bằng đã hình thành từng dãy lớp liền nhau, những khu nhà ở, văn phòng, bếp ăn… với những hệ thống hầm hào chằng chịt xung quanh. Ngày khai giảng năm học mới vẫn diễn ra đúng kế hoạch.
- Sang năm thứ ba 1970 -1971 mọi việc đã đi vào nề nếp, Giáo viên đã có điều kiện tập trung vào nghiên cứu, nâng cao chất lượng giảng dạy nên năm học này nhà trường cũng hoàn thành tốt nhiệm vụ.
d- Chỉ sau 2 năm tạm thời ổn định, năm học thứ 3 trường laị chuyển về khu vực trường cấp II Yên Chính Cũ, cạnh Cầu Bo. Đến địa điểm mới, ban lao động đã tiến hành đốt 2 lò gạch để xây dựng lớp học và văn phòng .
e- Năm học 1972-1973 Giặc Mỹ điên cuồng bắn phá miền Bắc. Thủ đô Hà nội bị máy bay B52 oanh tạc. Các lớp học lại phải đặt sâu dưới lòng đất và phân tán cách nhau tối thiểu 500m, kéo dài hơn 2 km dọc dòng sông Bo đến gần Cầu Mai Độ. Mỗi cửa lớp đào 1 giao thông hào dài 30-40m thông với hầm chữ A, mỗi hầm tránh được 8 – 10 học sinh. Những ngày nắng ráo lớp học bình thường. nhưng hôm nào mưa rét thì lớp đọng nước, giáo viên, học sinh phải xắn quần lội bùn đứng học. Có hôm trời tối phải nghỉ sớm. Những ngày trọng điểm đánh phá, lớp học không học tập trung được, các thầy, cô giáo phải xuống từng xã để tổ chức các nhóm học, đảm bảo chương trình.
Trong những ngày đó nhà trường được nhân dân cưu mang đùm bọc.. Các gia đình ở thôn Vạn Đoàn đã nhường nhà cho giáo viên ở, làm văn phòng, làm nhà ăn . Riêng ông bà Tích đã nhường hẳn 1 khu vườn để làm nhà ăn tập thể mà không yêu cầu nhà trường đền bù .
Như vậy là trong vòng 5 năm, nhà trường đã phải chuyển địa điểm 4 lần . Ngoài kinh phí rất ít ỏi của Ty giáo dục và huyện, chủ yếu là sự đóng góp tiền của, công sức của học sinh, cha mẹ học sinh và sự giúp đỡ của nhân dân.
2-Thời kỳ tương đối ốn đinh.
a-Sang năm học 1973-1974 tình hình cách mạng có nhiều thuận lợi. Trường được chính thức chuyển về xây dựng tại Sân vận động Yên chính, mảnh đất hiện nay trường đang đóng. Chi bộ và Giám hiệu giao cho Ban lao động chuẩn bị kế hoạch xây dựng lớp học trên nền đất mới. Với sự năng động, sáng tạo, các Thầy Trần Lâm, Đào Hưởng, Đào Xu… đã quan hệ xin cho trường từ phi lao bạch đàn tươi dọc đường 57, đến gỗ xẻ, luông, ngói, gạch … của Vật liệu xây dựng để làm lớp học, đóng bàn ghế học sinh. Cha mẹ học sinh những người có nghề mộc được huy động đến giúp trường. Thời kỳ này học sinh phải lao động làm gạch mộc, rồi tự đốt để xây trường. Mỗi năm thầy trò đốt tới 3-4 lò gạch.
b-Năm học 1975 -1976 miền Nam hoàn toàn giải phóng, đất nước thống nhất , chiến tranh hoàn toàn chấm dứt. Trong niềm vui chung của Tổ Quốc Thầy trò Trường Mỹ tho cũng hân hoan bước vào 1 thời kỳ mới: Thời kỳ thuận lợi, phát triển trong hoà bình độc lập.
NHỚ TRƯỜNG
Đào Xu-Nguyên cán bộ hành chính
Nhân ngày hội trường Mỹ Tho
Mấy vần tâm sự nhỏ to luận đàm
Nhớ câu: “Cộng khổ, đồng cam”
Hiển vinh nhớ lúc cơ hàn gieo neo
Chia trường trong cảnh túng nghèo
Hai bàn tay trắng đi theo với trường
Thời kỳ sơ tán thảm thương
Nơi mời , nơi đuổi, trăm đường khó khăn
Yên Bình mới được vài năm
Chuyển về Yên Nghĩa tiếng tăm ân tình
Ven đê Thiên Phái quê mình
Dựng lán lớp học tình hình gian nan
Văn phòng bếp ăn Vạn Đoàn
Nhân dân thắm thiết chứa chan mặn nồng
Hiệu trưởng thầy Nam hết lòng
Nhận lệnh điều động vào trong Vũng Tầu
Thầy Thạch sương điểm mái đầu
Về làm hiệu trưởng tình sâu nghĩa dài
Cô Quê hiệu phó dẻo dai
Kiên trì, thuỳ mị đức tài cần chuyên
Chuyển về khu Bo tưởng yên
Tranh chấp lương thực nhiều phiền lắm thay
Giám hiệu lo lắng loay hoay
Giao cho hành chính mưu bày liệu lo
Nhằm sân vận động Cầu Bo
Tờ trình xin huyện duyệt cho làm trường
Xin cây bãi đỏ ven đường
Lao động đóng góp xây trường khẩn trương
Cảm ơn ông Đào Văn Khương
Xin bốn khối gỗ quý thương vô ngần
Vất vả lấy gỗ Lê Thân (1)
Méo mồm chăm chỉ tinh thần qúy sao.
Công ty gạch ngói dạt dào
Ông Thụ giám đốc sát sao ân cần
Ông Luyện giám đốc Yên Tân
Cụ Hồng máy gốm góp phần vẻ vang
Ngân hàng kiến thiết ông Khang
Giúp trường tiền vốn lòng vàng thiện lương
Nhớ mãi thầy Trần Trọng Phường
Qúy thày Long Lý tình thương dạt dào
Thầy Bình dạy văn hay sao !
Nhớ thầy Long hoá lúc nào cũng vui
Thầy Thân xẻ ngọt chia bùi
Đẹp duyên Định + Mại chẳng lùi khó khăn
Hạnh phúc cô Hoa – Thầy Văn
Thủ chung Văn Chiến - Thanh Tâm dịu hiền
Đông + Sơn dạy lý cần chuyên
Gia đình Nghĩa Ngọc thảo hiền Yên Trung
Nam- Được gia thất trùng phùng
Trẻ trung Khoán- Lý vô cùng đẹp xinh
Cô Hồng cô giáo viên dạy Sinh
Cô Phùng Lệ Thủy nhiệt tình nết na
Cô Lan , cô Hữu hiền hoà
Cô Yên dạy sử, thiết tha với trường
Cô Phùng Thị Thiệp mến thương
Ba mươi năm vẫn yêu trường Mỹ Tho
Thầy Diễn quí mến học trò
Bí thư chi bộ chăm lo việc trường
Thầy Kế thể dục kiên cường
Bảng vàng liệt sỹ sử trường chép biên
Thầy Thạch chuyển về Ý Yên
Thầy Hồng hiệu trưởng thảo hiền an vinh
Thầy Hiển lại về trường mình
Hiện nay thầy Khoán nhiệt tình nối chân
Cô Hợi hành chính tinh nhanh
Quan hệ tháo vát, hiền lành đảm đang
Thờ chồng liệt sỹ vẻ vang
Tam tòng tiết hạnh họ hàng yêu thương
Nhớ Bác Kiên nhớ trống trường
Trồng 2 cây phượng đẹp đường vào ra
Măng non thay thế tre già
Thầy Cô cao tuổi về nhà nghỉ hưu
Biết bao kỷ niệm truyền lưu
Thay thầy cô trẻ dắt dìu tương lai
Bốn mươi năm chặng đường dài
Nhìn trường đổi mới tương lai huy hoàng
Cao tầng kiên cố khang trang
Nhờ Đảng lãnh đạo vẻ vang ngôi trường
Kính chúc lãnh đạo địa phương
Chúc mừng giáo chức 4 phương về trường
Thế hệ học sinh yêu thương
Cử nhân tiến sĩ bước đường vinh hoa
Mừng chúc Hội trường chúng ta
Thành công rực rỡ bài ca nghĩa tình
Ra về lòng nhớ đinh ninh
Vấn vương lưu luyến trường mình Mỹ Tho
Tháng 11 – 1998
Đào Xu
Ghi chú: (1)Thầy Lê minh Thân-Giáo viên Văn-Đã mất.
NHỚ BÁC LAO CÔNG
Đào Xu
Hạ về hoa phương đỏ tươi
Cây cao bóng cả nhớ người lao công
Hai cây phượng Bác Kiên trồng
Hoa Phượng đỏ mãi Bác không thấy về (1)
Mỹ Tho lồng lộng vùng quê
Cao tầng kiên cố đề huề khang trang
Biết bao nhiêu tấm lòng vàng
Mỹ Tho đổi mới sang trang sử hồng
HẸN GẶP
Phạm Hằng - Nguyên Hiệu Phó
Ta về mình tuổi mười ba
Nghèo, chưa đổi mới thịt da vơi gầy
Môi trường sạch, rợp bóng cây
Cạnh dòng Thiên Phái, nước đầy sạch trong
Thầy trò vất vả sức công
Nung vôi, đốt gạch vào Thanh mua luồng
Tự xây dựng lấy mái trường
Trồng cây phủ kín vườn, mương như rừng
Xa mình mười bẩy năm tròn
Những kỉ niệm cũ nay còn lưu không ?
Bây giờ hè thoáng, đường thông
Mình khang trang đẹp – vẫn lòng nghĩa tâm?
Đời mình dài vạn, ức năm
Ta còn ngắn lắm, mấy lần gặp nhau?
Tuổi 40 sức mạnh giầu
Vươn như Phù Đổng, kiếp sau ta về.
05-9-2008
(1)Bác Kiên- Lao công- Đã mất 2001.
VẪN NHỚ
Phạm Hằng- Nguyên Hiệu Phó
(Thân tặng các thầy cô Trường THPT Mỹ Tho đã nghỉ hưu)
Tiết dạy đầu tiên – nhớ suốt đời
Nói, ghi lúng túng đứng lại ngồi
Như mới hôm qua lần đầu nhỉ?
Mà hôm nay đổi mới dạy rồi
Nhanh quá, đời người sao ngắn thế?
Cô Lư, thầy Thoại, Hiệp, Cung…. ơi!
Quan cũ về hưu – Quan mới nhậm
Ngày nào còn sống – sống ích đời
Thư giãn dạ tâm, luôn vui khoẻ
Kỷ niệm nhớ quên Mỹ Tho ơi
Lòng muốn gặp nhau – chân không chịu !
Cảm thông, chia sẻ nỗi buồn vui.
20-9-2008
MẦM XANH
Nguyễn Tuyển
Nguyên HT THCS Yên Chính
Gửi bài, báo chẳng đăng cho
Qua chơi, mừng được học trò tặng thơ!
“Tre già măng mọc” ấm bờ
Mầm xanh gieo… đã mùa thơ chín vàng
NHỮNG HỌC TRÒ BẮC Ý
Nguyễn Hồng Điệu – Nguyên Tổ trưởng Toán
Bắc Ý Yên xưa, rốn nước Cổ Đam
Úng ngập Yên Phương, hạn khô Thiêm Lộc
Sông Đáy vỡ, sóng tràn về Xuât Cốc
Khóm tre gầy, phơ phất bến Hoàng Đan…
Chúng tôi sinh ra từ miền Bắc Ý Yên
Và lớn lên ngụp lặn dòng Thiên Phái,
Cha mẹ tảo tần, củ khoai, hạt lúa
Dành dụm cho con thành những học trò.
Thuở đi học, những ngày bom đạn ấy
Túi sách ,mũ rơm , bì bõm sớm sương mờ
Lòng trẻ lớn dần theo lời Thầy dạy
Chân đất, quần đùi mà hồng những ước mơ
Ngày ra trường kẻ Nam, người Bắc
Người về quê qui hoạch ruộng đồng
Người khoác ba lô lên đường đánh giặc
Còn mấy hoa khôi lặng lẽ… lấy chồng
Rồi làng xóm bớt nghèo , bạn vào đại học
Đánh Mỹ xong , tôi cũng đến giảng đường
Người mở Công ty, người thành Bác sĩ
Tôi miệt mài chở chữ, bến quê hương
Về thăm Mẹ hôm nay làng như phố
Đường rộng thênh thênh, ánh điện lung linh
Lưng mẹ còng, mà mắt cười rạng rỡ
Lớp trẻ giao lưu văn nghệ giữa sân đình
Thăm trường cũ bên dòng Bo soi bóng
Lớp đàn em vẫn học tập hăng say
Nhịp trống trường, sớm chiều trong gió lộng
Tôi được sang sông từ bến đò này.
Lũ chúng tôi, những học trò Bắc Ý
Nặng nghĩa tình, vượt khó, đi lên
Vẫn nhắc nhau, cùng đồng tâm, đồng chí
Góp sức mình cho Bắc Ý đẹp giàu thêm
Tháng 4-2003
NGHĨ VỀ THẦY
Nguyễn Tuyển- Nguyên HT THCS Yên Chính
Nước non dành tặng một ngày
Nhớ Thầy, cô !...
Nắng đong đầy yêu thương
Một giờ tóc cũng pha sương
Một trang giáo án vấn vương cả đời
Nhớ – quên, chuyện của mọi thời
Ngây thơ ánh mắt, nụ cười… thế thôi!
Đã đang mang nghiệp trồng người
Trăm năm mưa nắng tình đời vẫn say
Lẽ đời: Cho – Nhận, Trả - Vay
Bên nhận gió thoảng…
Đong đầy bên cho!
Bến quê chở những ước mơ
Sông khuya vọng tiếng gọi đò thiết tha.
BẰNG LĂNG TÍM
Phan viết Tuấn-GV Toán
Nguyên HS 8B – 10B K 75 – 78
Khi chia tay Anh vừa tốt nghiệp
Em ra trường ly biệt nơi đâu?
Trời cao, biển rộng, sông sâu.
Ánh trăng sáng quá nhớ nhau càng nhiều!
Tạm biệt mái trường thân yêu
Với bao bè bạn, bao nhiêu tháng ngày
Chia xa nhớ cả hàng cây
Cánh hoa phượng thắm hoe đầy mắt em
Bài thơ viết tặng cho em
Ghi trong góc vở mà quên tháng ngày
Năm năm, tháng tháng hao gầy
Bao kỷ niệm, bao tháng ngày thân thương
Chia tay nhớ cả con đường.
Chỗ ngồi, cửa sổ, mái trường mến yêu
Ai ơi sớm sớm, chiều chiều
Bằng lăng tím nở, nhớ nhiều trường quê!
Bao nhiêu năm, em có về?
Trường xưa hoa nở, con đê ngày nào.
Chuyến đò, bến nước sóng trào
Tiếng cười tinh nghịch đậm vào tim anh
Đèn dầu với mái nhà tranh
Ôi sao quên được tiếng anh, tiếng nàng.
Lần hồi Em mở từng trang
Ai ơi nhẫn cỏ nhớ mang tặng người
20/5/2008
ƠN THẦY
Kính viếng hương hồn thầy Chu Thiên
Đào Hưởng - Nguyên Hiệu phó
Mười bảy tuổi tròn, em đến trường
Bâng khuâng , hồi hộp, da vấn vương,
Gặp em, thầy hẹn, thầy xin hộ
Em khóc, thầy cười, tỏ mến thương
Em khóc ,thầy cười, tỏ mến thương
Mấy ngày xem vở, thấy tỏ tường
Anh văn, hoá học không theo được
Ngoại khoá dăm tuần, học như thường.
Ngoại khoá dăm tuần, học như thường
Thầy như lại thấy nó tự cường
Kế hoạch từ nay, chuyên về sử
Anh hùng hào kiệt khắp bốn phương
Anh hùng hào kiệt khắp bốn phương
Lê Lợi, Ngô Quyền, Trưng Nữ Vương (1)
Quốc Tuấn (2) Ức Trai (3) Lý Thường Kiệt
Nhân tài đức độ, sống phi thường
Nhân tài đức độ, sống phi thường
Nguyễn Huệ, Lê Hoàn, Nguyễn Tri Phương
Bộ Lĩnh (4) Lý Bôn (5) Trần Bình Trọng
Học hỏi làm người, nhất kiên cường
Học hỏi làm người, nhất kiên cường
Luyện tài, rèn đức phải tinh tường
Chia tay thầy dặn, tròn sau trước
Hăng say lập nghiệp sáng quê hương
Hăng say lập nghiệp sáng quê hương
Coi trọng thời gian, chớ trầm trương
Thầy nhắc nhiều lần: dừng để tiến
Lạc quan cách mạng, tránh “buồn” “thương’!
CÁCH GIÁO DỤC TRUYỀN THỐNG
Ở MỘT TRƯỜNG THPT
VÙNG SÔNG NƯỚC CỬU LONG
Thái Doãn Mại – Giaó viên Vật lý
Một ngày đầu thu năm 2008 tôi cùng đoàn cán bộ giáo viên trường THPT Mỹ Tho -Nam Định , về thăm thành phố Mỹ Tho - Tỉnh Tiền Giang. Một kỷ niệm không thể quên đó là buổi giao lưu với cán bộ, giáo viên trường THPT Nguyễn Đình Chiểu một mái trường có tuổi đời 130 năm (1879-2008), nằm bên bờ sông Tiền bốn mùa dào dạt sóng nước phù sa.
Bữa ấy đồng chí Lê Ngọc Trấn Hiệu trưởng nhà trường đưa chúng tôi thăm thú khuôn viên và các cơ sở quan trọng … Điều ấn tượng nhất của tôi là khi đến với TIỀN VÃNG ĐƯỜNG.
Nói một cách nôm na, Tiền Vãng Đường là nơi thờ phụng nhà thơ, nhà yêu nước Nguyễn Đình Chiểu và các thầy giáo, cô giáo của trường đã quá cố, nơigiáo dục truyền thống cho các thế hệ học sinh. Từ chiếc lư đồng, một làn khói hương trầm toả ngát, tôi cảm nhận được tấm lòng thành kính của bao thế hệ thầy trò đối với các bậc tiền bối.
Phía trên cùng, chính giữa là ảnh cụ Đồ Chiểu kiên nghị trong bộ Nam phục, áo the đen, khăn đóng.
Thắp hương trước di ảnh Cụ, tôi lại nhớ tới bối cảnh khoảng cuối thế kỷ 19:
Bến Nghé của tiền tan bọt nước
Đồng Nai tranh ngói nhuốm màu mây
Trong cái đêm đen của những ngày đầu mất nước, Cụ Chiểu đã thắp sáng một bó đuốc lương tri :
Dù đui mà giữ đạo nhà
Còn hơn có mắt ông cha không thờ.
Trên bàn sơn son thếp vàng đặt ngai thờ .Trong ngai có một bức đại tự :
“ Nho lâm Khổng thánh”
Nghĩa là : “Những người theo đạo Nho của Khổng tử ”
Người xưa đặt như thế là dựa vào điển sau: Khổng tử di chúc : ai tôn sùng nho học thì trồng cây xung quanh mộ của Ngài. Lâu dần thành rừng, người đời gọi là Khổng Lâm
Hai bên linh toạ là các câu đối :
Thuỳ huấn Tây Thiên chân cảnh ngưỡng.
Tư văn Nam địa tận khâm thừa.
Tạm dịch là : Mến yêu thay trí tuệ Châu Âu
Kính trọng thay tinh hoa nước Việt.
Kế đó là một cặp đối liễn :
“Đạo bất thiên, giáo bất quyện, chân sư phạm nghi hình .
Ấu nhi học, tráng nhi hành, thị thiếu niên nghĩa vụ .”
Nghĩa là : ”Đạo lý không ngả nghiêng di dời, dạy học trò không biết mỏi mệt, làm một cái khuôn chân chính của người thầy giáo.
Bé lo học, lớn lo làm – tuổi trẻ phải gánh lấy trách nhiệm đó.”
Câu này là lấy từ sách Luận ngữ và Tam tự kinh của người học chữ Nho xưa, nhưng rất phù hợp với nguyên lý giáo dục ngày nay.
Tiếp theo là một bài minh:
Phụ sinh ngã nhục thân
Sư dưỡng hề tinh thần
Nhị đức thường hối niệm
Xuân thu vũ lộ ân
Nghĩa là: Cha mẹ sinh ra thân thể ta, thầy giáo nuôi dưỡng tinh thần ta. Hai đức lớn đó thường nhắc nhở ta công ơn mênh mông như sương mùa xuân, ào ạt như mưa mùa thu.
Một nửa của Tiền Vãng Đường là đặt bát nhang và bài vị của các thầy cô giáo đã quá cố. Thầy Hiệu trưởng cho biết: Nơi đây vào ngày lễ lớn, ngày sóc, ngày vọng… đều mở cửa để thầy trò vào hương khói và tưởng niệm.
Tam biệt Tiền vãng đường ra về trong đầu tôi vẫn thấy trước mắt hiện lên những dòng chữ, những lời giáo huấn của Tiền nhân. Chính nơi đây đã giáo dục, rèn luyện biết bao nhân tài cho đất nước. Trong số đó, tiêu biểu là: Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Phạm Hùng, Viện sỹ thiếu tướng Anh hùng quân đội Trần Đại Nghĩa, Bác sỹ Giáo sư Bộ trưởng Nguyễn Văn Hưởng, Phi công A37 Nguyễn Thành Trung… Tiền vãng đường chính là cầu nối giữa quá khứ với hiện tại và tương lai.
Nam định 4.10.2008
TRỞ VỀ
Hà Thị Bích-Giáo viên Văn,
Nguyên học sinh cũ của trường
Mùa đông năm ấy tôi đi
Sân trường cây bàng lá đỏ
Có ai ngờ bây giờ cơn gió ấy
Đưa tôi về sông Bo ……
Bát ngát trong sương cánh buồm trước gió
Mặt sông trong, mặt trăng tròn trong cỏ
Cây xà cừ tôi yêu ngày nào còn đó
Mùa đông giờ ở đâu ( ?)…
Ai gọi tên tôi trên vòm cây cao
Sông bát ngát như trăng vừa mới mọc
Gió mơn trớn gọi chồi non nảy lộc
Đưa nàng xuân về tưới đẫm thảm cỏ xanh.
Tôi nghiêng mình ngắt một nhánh bằng lăng
Dấu vào đó cả một thời ký ức,
Về một mùa hoa phượng đi qua
Tuổi học trò tôi bắt bướm, bẻ hoa
Nhặt bằng lăng rụng đầy sân cỏ.
Nơi tường rêu, vách đất, mái tranh
Và bè bạn, và bảng đen phấn trắng,
Và từng con chữ xinh,và lời cô trầm ấm
Nâng giấc mơ con bay bổng diệu kỳ…
Nay con trở về bỗng thấy bơ vơ
Sân trường vắng cứ như nhà vắng mẹ
Bục giảng vắng cứ như cây thiếu gió,
Bảng đen nằm im không nói một lời.
Cuốn sổ thơ cô tặng ngày nào
Chẳng muốn ghi thêm những dòng lưu bút,
Xa cô rồi con mới hiểu một lẽ giản đơn
Rằng: cô đã cho con cả cuộc đòi- sự nghiệp
Tháng 10/1989
TUỔI NHỎ ĐI HỌC
Trần Ngọc Lân- Nguyên BT chi bộ
Giáo viên GDCD
Nhớ ngày thơ ấu đến trường
Được thầy cô giáo yêu thương tận tình
Coi trò như thể con mình
Bảo ban dậy dỗ thắm tình bên nhau
Dậy từng chữ, bảo từng câu
Mong sao trò giỏi tiến mau trưởng thành
Để rồi bằng chị bằng anh
Đức tài trọn vẹn mười phân vẹn mười.
Hiếu trung giữ được ở đời
Sau này xứng đáng là người công dân.
Ngày nay tôi đã góp phần
Dựng xây đất nước giữ luân lý nhà.
Thầy cô như thể mẹ cha
Dạy tôi tài đức thiết tha những lời
Biết ơn nhà giáo suốt đời.
MÁI TRƯỜNG THPT MỸ THO Lê Thái Thục
Bí thư đoàn TN- Thời kỳ 1968- 1971
Bên cạnh đồng xanh một mái trường.
Danh thơm đã toả ngát mùi hương.
Vươn lên, vươn mãi trường tiên tiến.,
Sáng ngời trong ánh sáng huân chương.
Thoắt đến, đã đi còn bỡ ngỡ.
Ngập tràn trong những nỗi yêu thương.
Say nghề dạy trẻ, trao mơ ước.
Ngại lúc xa trường dạ vấn vương.
CUỘC ĐỜI DẠY HỌC
Trần Ngọc Lân - Nguyên BTCB-
Giáo viên GDCD
Tuổi xanh để ở mái trường.
Tuổi già trở lại đời thường với nhau.
Nhớ xưa bên ngọn đèn dầu.
Mỏi tay, buốt óc, nhức đầu vẫn vui.
Hăng say sự nghiệp trồng người.
Mặc cho gian khổ vẫn ngời sức xuân.
Máy bay địch bắn xa gần.
Bom rơi đạn nổ tinh thần hiên ngang.
Tiếng thầy vẫn cứ ngân vang.
Lời cô vẫn cứ dịu dàng thấm sâu.
Là người nối những nhịp cầu.
Truyền bao trí tuệ vào đầu trẻ thơ.
Nay đầu tóc đã bạc phơ.
Về hưu cảm thấy ước mơ đã tròn.
Làm xong nghĩa vụ nước non.
Viết vào trang sử, vàng son trồng người.
Nôm na có bấy nhiêu lời.
Thấy nghề dạy học sáng ngời vinh quang.
VỀ TRƯỜNG CŨ
Lê Thái Thục
Bí thư đoàn TN- Thời kỳ 1968- 1971
Tôi trở về trường cũ của tôi
Tìm dấu vết của một thời đã xa.
Ánh nắng vàng, gió mùa thu ,
Tiếng hát vang cả sông Bo vơi đầy.
Thuở ấy tuổi trẻ sức trai,
Con đường Yên Nghĩa mồ hôi ướt đầm.
Hàng cây giờ đã lên xanh ,
Toả bóng dâm mát lung linh ven hồ.
Ngọn gió đông đùa trên mái tóc
Gió nổi lên giữa một chiều quê
Nhớ đại hội Đoàn ở nơi đình Ruối
Xe đạp ơi hai bên bờ sông Bo.
Anh háo hức gặp em hò hẹn
Hương hoa lan thơm ngát bên đường
Trọng dòng học sinh cắp sách đến trường
Có một học trò tôi giữ yêu thương.
Tôi trở về với Ý Yên chốn cũ,
Sau những tháng năm dài thêm nỗi nhớ
Đường Yên Chính đến trường ,
Gửi niềm tin lại nơi trường cũ yêu thương.
BIẾT ƠN
Kính tặng Thầy
(Một người thầy chân chính- một người Anh)
Hình như Thầy chẳng khác xưa.
Bốn mươi năm trước Thầy đưa chúng mình.
Biết bao tận tuỵ, chân tình,
Tóc Thầy điểm bạc, tóc mình đượm xanh.
Đỗ Kim Dung
uỷ viên thưòng vụ Đoàn trường
Học sinh 8A; 9A; 10A -1968-1971
LỜI NÓI ĐẦU
Trường THPT Mỹ Tho đã trải qua bốn mươi năm xây dựng và trưởng thành. 40 năm so với lịch sử không phải là một quãng thời gian dài, nhưng đối với mỗi con người đã sống, làm việc và học tập tại nơi đây thì có một ý nghĩa vô cùng lớn lao. Trường THPT Mỹ Tho một mái trường ra đời giữa cuộc kháng chiến chống Mỹ, mang tên tỉnh Mỹ Tho anh hùng, đã đi lên từ trong khó khăn gian khổ, để trở thành đơn vị trường Tiên tiến, Tiên tiến xuất sắc, cống hiến mộtk phần cho sự nghiệp cách mạng của đất nước, xứng đáng với niềm tin yêu của Đảng và nhân dân địa phương. Trong bốn mươi năm qua, 327 thầy cô giáo đã giảng dạy và công tác tại trường, trong đó 2 nhà giáo được phong tặng nhà giáo ưu tú. 16.200 Học sinh đã tốt nghiệp và ra trường. Nhiều người đã trở thành giáo sư, phó giáo sư, tiến sĩ, thạc sĩ. Nhiều người giữ các chức vụ quan trọng của Đảng và nhà nước. Hàng trăm sĩ quan quân đội công an, trong đó nhiều người là các sỹ quan cao cấp. Hàng nghìn nhà giáo, bác sĩ, kỹ sư, giám đốc doanh nghiệp… Chặng đường vẻ vang 40 năm ấy thật đáng tự hào và đáng nhớ cho hôm nay và mãi đến mai sau.
Trong dịp lễ kỷ niệm bốn mươi năm thành lập trường vào tháng 11 năm 2008 này, nhà trường đã nhận được rất nhiều tư liệu hiện vật, hình ảnh của các thầy cô giáo và học sinh qua các thời kỳ lịch sử gửi tặng. Chúng tôi cũng nhận được nhiều bài viết gồm hồi ký, phóng sự, thơ ca, tâm sự ... của các thầy cô giáo và các thế hệ học sinh về mái trường thân yêu. Trong một điều kiện và khả năng có hạn, chúng tôi xin tập hợp và biên soạn sơ thảo tập san của nhà trường để giữ mãi những tình cảm và tấm lòng quý báu của các quý vị , về một giai đoạn lịch sử đầy khó khăn, nhưng rất vẻ vang của nhà trường. Xin gửi lời trân trọng cám ơn tới các tác giả .
Trong khi biên tập có thể còn những sai sót hoặc những chỗ chưa đáp ứng được nguyện vọng và tình cảm của nhiều người. Chúng tôi mong được sự thông cảm .Đồng thời xin được góp ý bổ sung thêm hoàn chỉnh và phong phú thêm. Một thời gian gần nữa chúng tôi sẽ hoàn thiện và ra tập san chính thức làm truyền thống của trường.
Ban biên tập
BẠN HỌC
Hà Đễ- Nhà giaó Ưu tú-nguyên Hiệụ phó trường
Tặng các thế hệ học sinh trường cấp III Mỹ Tho.
Lớp của chúng ta
Học xong tản ra
Mỗi đứa một ngả.
Đứa thành tướng tá
Đứa là học giả
Đủ các loại nhà :
Nhà văn, nhà giáo
Nhà báo, nhà thơ…
Và thương lắm,
Những đứa năm dưới mồ
Nó đi đánh giặc,
Không bao giờ về nữa…
Trong bọn ta
Có những đứa
Rất nhiều tiền của
Lại có đứa
Quá nghèo
Không tin được nữa…
Nhớ đến nhau
Gọi về trường cũ
Quấn quýt bên nhau
Lố nhố một lũ.
Cười nói thả phanh
Nô đùa hết cỡ
Lại nguyên hình.
Lũ quỷ nhà trời…
Ô nhưng mà:
Tóc trắng hết rồi
Lũ chúng mày ơi.
Kệ nó-
Cứ vui
Sướng nhất trên đời
Những lúc này thôi !
Rồi mai đây
Theo kiếp luân hồi
Từ cát bùi
Ta lại về nơi cát bụi…
GIÃ BẠN
Hà Đễ- Nhà giaó Ưu tú-nguyên Hiệụ phó trường
Bâng khuâng nhớ cảnh nhớ người
Mỹ Tho ghi đậm những lời hẹn xưa
Dù cho rày nắng mai mưa,
Tóc tuy bạc trắng, lòng chưa phai lòng
Chia tay mình vẫn ước mong,
Có ngày gặp lại vẫn đông thế này.
Trò xưa, bạn cũ đủ đầy,
Cùng đàn em nhỏ vui ngày hội chung.
Xốn xang hồ hởi mừng công,
Đón chào danh hiệu anh hùng vẻ vang.
Mái trường to đẹp khang trang,
Rừng cây rợp bóng hàng hàng xum xuê.
Nơi đây là chốn đi về,
Thầy trò xum họp, vùng quê nghĩa tình.
LÃNG DU THĂM TRƯỜNG CŨ
Hà Đễ- Nhà giaó Ưu tú-nguyên Hiệụ phó trường
Bác đến, bác ơi có việc gì ?
Người ơi ta đến chả xin chi.
Nhớ nơi xua dạy, ta về lại
Ngắm cảnh thăm người rồi lại đi…
Nguồn:thpt-mytho.namdinh.edu.vn
Copy link