Trang văn nghệ chào mừng ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11
Giáo viên và học sinh TPHT chào mừng ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11 bằng những lời của trái tim
Lời trái tim
MÙA GIEO HẠT
Biết bao giờ trở lại tuổi thơ ơi
Sao tiếng trống chiều nay nghe dục giã
Cho lá bàng rơi xạc xào lối nhỏ
Nhịp thời gian lặng lẽ cuốn trôi xa
Ta đã đi qua bao mùa thay lá
Bao chuyến về cập bến đò ngang
Tiếng trẻ thơ vang lên từng nhịp thở
Câu thơ nào dang dở giữa mùa sang.
Mùa lại qua mùa, cùng người gieo hạt
Ươm mầm xanh trên trang giấy tinh khôi
Ươm ước mơ vào niềm tin hi vọng
Cho nụ cười luôn hé nở trên môi.
Nôi thời gian chở ta về bến đợi
Mang thương yêu lặng lẽ lớn từng ngày
Bao niềm tin dạt dào trang thơ mới Gieo hạt vàng - đàn em nhỏ thơ ngây.
(Nguyễn Thị Song, GV trường THCS Nguyễn Du)

CÔ GIÁO EM
Có phải cô là gió Có phải cô là đất
Đưa em đi muôn nơi Ngọt ngào vị phù sa
Tâm hồn em rộng mở Để em làm mầm biếc
Cập bến bờ bình yên Hẹn một ngày nở hoa
Có phải cô là nắng Cô ơi cô là mẹ
Rót ánh vàng chan hòa Dìu dắt em bước đi
Và cô là ánh trăng Chẳng bao giờ quên cả
Dịu dàng và chan chứa Dù mai này cách xa
(Nguyễn Thị Phương Thúy, lớp 7/2 trường THCS Lê Văn Thiêm)
BẢNG ĐEN ƠI...
Mỗi lần cầm khăn xóa bảng
Bạn ơi đừng trách bàn tay
Những điều cô vừa mới giảng
Gửi vào trong bụi phấn bay
Mỗi lần cầm khăn xoa bảng
Bạn ơi nhè nhẹ bàn tay
Hãy nghĩ về từng con chữ
Bớt đi sợi bạc tóc thầy
Thân thương bảng đen phấn trắng
Theo em suốt tuổi học trò
Mỗi lần cầm khăn xóa bảng
Càng ơn sâu nặng thầy cô.
(Trần Nguyễn Nguyên Hiếu - lớp 8B- Trường THCS Nguyễn Du)
BÀN TAY LẤM MỰC
Ngày tôi không tìm thấy con đường
Cô giáo là ánh đèn ấm áp
Ngày tôi không nhìn thấy mặt trời
Cô đã tặng tôi một đóa hướng dương
Ngày tôi khóc vì không với tới thành công
Cô khen bài toán tôi làm
Cô khen lời văn tôi viết
Cô cầm bàn tay tôi lấm lem màu mực
Cô gọi đó là thành công
Tôi sẽ bước đi giữa cuộc đời mênh mông
Có thể tôi vẫn sẽ khóc và cũng sẽ cười
Nhưng tôi biết nơi trường xưa
Vẫn luôn có một ánh mắt thật hiền
Nhìn thấy bao điều kỳ diệu từ bàn tay lấm mực của tôi
(Phan Tuấn Bảo, lớp 9/1, trường THCS Lê Văn Thiêm)
TRƯỜNG TÔI
Thuở bé, tôi sống với ông bà nội ở làng quê bình yên, êm ả. Những năm tiểu học , tôi được học ở một trường làng nằm nép mình bên dòng sông quê thơ mộng. Ngôi trường đầu tiên đó đã để lại trong tuổi thơ tôi những cảm xúc mãnh liệt, trong sáng về tuổi học trò.
Ngôi trường cũ thân yêu trong kỉ niệm của tôi nằm yên bình bên dòng quê thơ mộng, chảy hiền hòa cùng năm tháng. Nhìn từ xa, ngôi trường làng mái ngói đã cũ, có nhiều rêu phong lặng lẽ nép bên những gốc phượng, những gốc bàng già. Quê tôi nghèo nên trường không khang trang, không được quét vôi trắng xóa hay sơn những nước sơn đẹp nhiều màu sắc như những mái trường ở thành phố sau này tôi được học hay được ngắm nhìn. Nhưng mãi mãi trong tôi đó là một ngôi trường đẹp nhất, bởi ở đó tôi được sống những tháng ngày vui tươi, cảm nhận được niềm vui của thầy cô, bè bạn và cảm thấy mình được yêu thương vô cùng.
Trường tuy nghèo nhưng luôn tinh tươm sạch sẽ. Trước giờ học, các bạn học sinh thay nhau làm vệ sinh tại trường. Cũng như các dãy nhà, cổng trường đã khá cũ kĩ, in đậm dấu ấn thời gian. Từ xa, chúng tôi đã nhìn thấy cổng trường thấp thoáng sau những hàng cây xanh mướt. Những buổi cùng bạn bè đi học, thoáng nhìn thấy cổng trường, học sinh đã ùa nhau chạy nhanh vào sân trường trong tiếng cười giòn tan. Chiếc cổng khá rộng rãi nhưng sau mỗi giờ tan học dường như bé lại bởi những cô cậu học trò cùng nhau ùa ra…
Bước qua cổng trường là hệ thống các dãy nhà, phòng học. Nép mình dưới những hàng cây cổ thụ, 3 dãy nhà cũ kĩ, một số phòng học tường đã có dấu hiệu bong tróc. Mỗi dãy nhà có 5 phòng học, được bố trí giống nhau, gồm bàn ghế, bảng và quạt trần. Trong mỗi lớp học nhỏ nhắn, bàn ghế được sắp xếp ngăn nắp, gọn gàng và được các học sinh thay nhau lau chùi sạch sẽ. Có lẽ dấu ấn đọng lại sâu đậm nhất trong tôi đó là mùi gỗ ngai ngái từ bàn ghế trong lớp. Mùi gỗ đó ấn tượng sâu sắc đến mức, sau này thỉnh thoảng đi qua cửa hàng gỗ, hay gặp lại mùi đó trong lớp học mới, tôi như sững lại, bắt gặp lại chính mình đang trong lớp học của những ngày hồn nhiên xa xưa ấy.
Trong kí ức của tôi, đó là một ngôi trường rực rỡ nắng vàng, rộn rã tiếng chim và xạc xào tiếng gió. Trước sân trường là những cây phượng, cây bàng cổ thụ. Vào mùa tựu trường, tôi thích nhất là nghe tiếng lá mùa thu rơi trong không gian, như một bản tình ca của thiên nhiên. Đặc biệt, âm thanh xôn xao vẫn còn in đậm trong kí ức tôi đó là tiếng chim ríu rít vào mùa chim về làm tổ. Giữa mùa xuân đến đầu mùa hạ, trên những cành cây già, hay trên những mái ngói rong rêu, những đàn chim sẻ về làm tổ, ríu ran cả một góc sân trường. Đó có lẽ là âm thanh về thiên nhiên hiện hữu đậm nhất tại ngôi trường làng ấy. Mùa hè, trên những cành phượng đỏ rực, tiếng ve râm ran cả một góc trời. Đó cũng là âm thanh báo hiệu một mùa chia xa đã đến với học sinh.
Ngôi trường không chỉ ấn tượng bởi những cây cổ thụ với những bản nhạc thiên nhiên mà còn là một bức tranh rực rỡ sắc màu từ các loài hoa. Ngay trước các dãy nhà, là những loài hoa được học sinh tự tay trồng và chăm bón. Hoa mười giờ, hoa sam vào mùa hè đua nhau khoe sắc. Sắc đỏ của mười giờ, sắc vàng của sam dưới ánh nắng mặt trời trông thật lộng lẫy. Ở cuối góc sân trường là dãy râm bụt được trồng theo hàng rào. Hoa dâm bụt không kiêu sa mà giản dị, lặng lẽ tỏa hương . Mùa thu, mùa tựu trường ở trước các dãy nhà, những bông cúc dại nở vàng rực cả một góc sân. Tôi yêu những loài hoa giản dị ấy có lẽ cũng vì chúng đã gắn liền với mái trường đầy mến yêu trong kí ức. Những buổi tan học về sớm, tôi có thể đứng say sưa gắm nhìn những bông hoa bé nhỏ giản dị đung đưa trong gió. Sau này, thỉnh thoảng, những bông hoa ấy đã đi vào trong những giấc mơ khi tôi xa trường.
Trẻ con làng tôi không được đưa đi học như trẻ con thành phố. Nhưng cũng chính vì vậy, chúng tôi mỗi ngày được cùng nhau đến trường trên con đường làng rợp bóng tre xanh mướt. Những sáng mùa đông lạnh giá, chúng tôi lọt thỏm trong chiếc áo mùa đông và nhìn như những cây nấm con bên đường. Chúng tôi vừa đi vừa trò chuyện râm ran, có nhiều lúc dừng lại hái hoa dại ven đường cài tóc. Mùa hè, trên đường làng rộn rã tiếng ve, chúng tôi thi nhau bắt ve, hay những chú dế ở vệ đường. Lũ con trai say sưa có khi còn chậm học, chạy bở hơi tai, đến khi thấy cổng trường lấp ló cũng là khi nghe tiếng trống trường vang lên báo hiệu giờ vào học.
Tuy còn bé, nhưng chúng tôi vẫn có những buổi lao động ở trường rất vui vẻ, sôi nổi. Các bạn nữ lau chùi bàn học, giặt những lá cờ đỏ thắm. Các bạn nam nhổ cỏ, trồng và tưới nước cho những khóm hoa trước các phòng học. Công việc lao động ở trường tuy mệt nhoài nhưng ai cũng vui vẻ, hăng say. Sau những buổi lao động ấy, cô giáo thường mang quà từ nhà chia cho các bạn. Khi thì túi bỏng ngô, có khi thì gói kẹo lạc thơm mùi mật, cay mùi gừng. Mùi vị ấm áp đó đến giờ vẫn còn in đậm trong tôi. Đó là những kí ức vui vẻ, ngọt ngào và trong sáng của những tháng năm tiểu học cùng bạn bè dưới mái trường yêu thương ấy.
Thật khó để diễn tả hết cảm xúc về mái trường, đặc biệt là về những người thầy, người cô yêu thương học trò một cách giản dị, chân tình năm xưa. Nơi mái trường ấy, thầy cô đã trao cho tôi những bài học đầu tiên, những kiến thức làm nền tảng vững chắc nhất. Tôi rất ấn tượng những buổi sáng mùa hè, dưới những tán phượng xào xạc ở sân trường, cô giáo dạy văn thường kể cho chúng tôi nghe về làng quê, giảng cho tôi làm những bài văn tả quê hương đầu tiên, truyền cho tôi tình yêu quê hương sâu sắc, yêu mái trường bên dòng sông thơ mộng, hiền hòa. Cô luôn gần gũi yêu thương những cô cậu học trò quê lấm lem của mình. Trong túi cô thường mang sẵn theo kim chỉ, để rãnh rỗi cô may lại những mảnh áo rách cho lũ trò nghèo. Những hành động nhỏ, giản dị như thế nhưng đã khiến tôi cảm nhận được tình cảm ấm áp của cô. Yêu cô, tôi yêu hơn mái trường, yêu hơn làng quê nghèo lam lũ của mình.
Ngôi trường chính là thế giới kì diệu đầu tiên của tôi, một thế giới của tình bạn trong sáng, của tình thầy cô, những người đã yêu thương những đứa trẻ dại khờ một cách vô điều kiện. Không chỉ có vậy, đó là nơi đã dạy cho tôi những bài học kiến thức đầu tiên để chắp cánh bay vào cuộc sống, để đến bây giờ, tôi vẫn nuôi ước mơ trở thành một cô giáo trường làng.
Thời gian trôi đi, tuổi thơ tôi mãi mãi ra đi không thể trở lại. Nhưng vẫn có một thứ luôn ở lại cùng tôi là những kí ức đẹp đẽ về mái trường cấp một yêu dấu.
(Nguyễn Thảo Chi, Lớp 7C, trường Trung học cơ sở Đại Nài)