Tổ chức sinh hoạt hè cho thiếu nhi: Cần mới mẻ và phong phú hơn
Tăng cường dạy kỹ năng
Trung bình, các cơ sở đoàn thôn, khu phố tổ chức sinh hoạt hè cho thiếu nhi 2 lần/tuần vào các buổi tối. Nội dung sinh hoạt từng tháng gắn với chủ đề các ngày lễ, kỷ niệm như Tết Thiếu nhi (1.6), ngày Gia đình Việt Nam (28.6), ngày Thương binh - Liệt sĩ (27.7)…
Các hoạt động hè được các cơ sở Đoàn tổ chức thường tập trung vào các nội dung: Sân chơi giáo dục truyền thống, rèn luyện nâng cao ý thức bảo vệ môi trường, rèn luyện thể thao, hoạt động tình nguyện. Chị Nguyễn Thị Thu Phương, Phó Bí thư Huyện đoàn Phù Mỹ, cho biết: “Hè năm nay, Huyện đoàn có nhiều sân chơi bổ ích dành cho thanh thiếu nhi như: mở 2 lớp dạy võ cổ truyền, 1 trại hè, 23 buổi “Vui hè cùng thiếu nhi”. Ngoài ra, các cơ sở Đoàn đã tặng 2 xe đạp, 800 quyển vở, 76 suất quà, 3 đàn gà cho học sinh nghèo, tổng trị giá trên 25 triệu đồng”.
Bên cạnh hoạt động chăm lo, tổ chức vui chơi cho thiếu nhi, trong những năm gần đây, các cơ sở đoàn đã chú trọng hơn trong việc bồi dưỡng các kỹ năng cho thiếu nhi như: dạy bơi, dạy kỹ năng tự vệ, kỹ năng dã ngoại, kỹ năng trại… Chị Huỳnh Thị Bích Trang, Phó Bí thư Huyện đoàn Hoài Nhơn, cho biết: “Năm nay, 450 học sinh ở các xã Hoài Tân, Hoài Thanh, Tam Quan Bắc, Hoài Hảo được tham gia lớp học “Học làm người có ích”. Ngoài ra, Huyện đoàn phối hợp Phòng LĐ-TB&XH huyện mở 2 lớp dạy bơi cho 90 em ở xã Hoài Tân, Hoài Châu. Vì kinh phí có hạn nên chúng tôi đành phải luân phiên tổ chức khóa “Học làm người có ích” và dạy bơi mỗi năm chứ không thể tổ chức đồng loạt”.Ngoài ra, một số sân bóng đá mini nhân tạo do Tỉnh đoàn trao tặng tại các huyện như Tây Sơn, Hoài Nhơn, Phù Mỹ, TX An Nhơn... đã được khai thác có hiệu quả bằng việc tổ chức các giải bóng đá thanh thiếu nhi.
Gỡ khó cho sinh hoạt hè
Việc tổ chức sinh hoạt hè ở địa phương cho thiếu nhi không chỉ góp phần tạo sân chơi lành mạnh cho các em mà còn giúp gia đình và địa phương quản lý các em trong những tháng nghỉ hè. Tuy vậy, thực tế cho thấy, nhiều năm qua, chất lượng sinh hoạt hè không cao, không thu hút được nhiều thiếu nhi tham gia. Nội dung sinh hoạt hè ở nhiều nơi vẫn không có gì mới mà quanh đi quẩn lại cũng chỉ là vui chơi, văn nghệ, thể dục thể thao...
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến nội dung và hình thức sinh hoạt hè nghèo nàn như: Cơ sở vật chất của các điểm sinh hoạt còn hạn chế, chật chội, nóng nực; thiếu kinh phí; đội ngũ cán bộ Đoàn tại cơ sở quá ít, quá tuổi, không đảm đương hết công việc, thiếu tính sáng tạo… Chị Huỳnh Thị Bích Trang cho hay, các hoạt động sinh hoạt hè ở Hoài Nhơn đều do Huyện đoàn và cơ sở đoàn tìm nguồn hoặc trích kinh phí hoạt động của mình để tổ chức. Mỗi năm, huyện mở được 4-5 lớp bồi dưỡng kỹ năng, các em thiếu nhi rất thích vì các hoạt động mới và bổ ích, phụ huynh cũng rất ủng hộ nhưng chỉ có ở thị trấn Bồng Sơn là kêu gọi, vận động được nguồn kinh phí hỗ trợ để tổ chức.
Còn theo một cán bộ Đoàn ở Quy Nhơn thì ở thành phố, vào hè, phụ huynh thường đăng ký cho con học thêm quá nhiều môn, từ các môn học ở trường đến môn năng khiếu như: võ, bơi, nhạc, họa… nên các em, phần bận rộn với lịch học thêm, phần mệt mỏi do đi học cả ngày, đến tối không muốn đi sinh hoạt hè nữa.
Về vấn đề này, chị Huỳnh Thị Anh Thảo, Phó Bí thư Tỉnh đoàn, Chủ tịch Hội đồng Đội tỉnh, cho biết: “Chú trọng rèn luyện kỹ năng thực hành xã hội cho các em thiếu nhi là một trong những nội dung được cơ sở đoàn chú trọng. Những năm qua, Tỉnh đoàn cũng đã xây dựng, bồi dưỡng, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ Đoàn, Đội ở cơ sở. Để có thể tổ chức nhiều hơn nữa các hoạt động vui chơi cho thiếu nhi trong dịp hè, một số cơ sở đã tìm cách xoay xở nguồn kinh phí, kêu gọi xã hội hóa, đổi mới mạnh mẽ nội dung sinh hoạt theo hướng bám sát tình hình thực tế địa phương. Tuy nhiên, để góp phần thay đổi thực trạng hoạt động hè cho thiếu nhi, các cơ sở Đoàn- Đội cũng rất cần sự đầu tư, quan tâm, tạo điều kiện và ủng hộ hơn nữa của cấp ủy Đảng, chính quyền, các ngành, đoàn thể”.